Hôm nay là một ngày quan trọng, cậu chàng trông thấp thỏm hơn ngày thường, ngồi làm việc cứ lổm nha lổm nhổm. Cu cậu cứ giữ dáng bộ đó mãi cho tới khi tôi gọi tên cậu ta.
“Này, tới lượt em rồi!”
Cậu nhẹ nhàng đứng dậy, hai bàn tay đan vào nhau xuýt xoa, tiến dần về phía tôi.
Tôi tặc lưỡi, hầy, một cậu sinh viên vừa ra trường non nớt, ai cũng có lần đầu mà.
Gia cảnh cậu ta không khá khẩm, vừa phải bon chen trang trải cho bản thân mình ở nơi thành thị đắt đỏ, vừa phải dành dụm gửi tiền về cho mẹ ở quê nhà. Nhưng cậu ta được cái lễ phép, siêng năng và chịu khó. Có những hôm đã hết giờ làm 3, 4 tiếng, vẫn thấy cậu ta cần mẫn ngồi gõ từng dòng code.
Tôi luôn có ý định sẽ bồi dưỡng cu cậu thành tài.
Nhưng có quả ngọt nào mà dễ hái đâu.
Tôi cho cậu ta thời gian bày tỏ cảm xúc về 9 tháng làm việc ở công ty, về những kiến thức, những kĩ năng cậu ta học được, về sếp, về đồng nghiệp… Mọi điều cậu ta thích và không thích, tôi đều chăm chú lắng nghe.
“Em rất thích môi trường làm việc ở công ty mình. Anh em rất gần gũi, đoàn kết với nhau. Bữa trưa ngon lại được nói chuyện với mọi người rất vui.
Bản thân em rất biết ơn vì những điều anh và công ty đã dạy cho em.”
Ở khoảnh khắc cậu ta thốt ra câu đó, tôi đã tin, đã thoáng một chút tự hào rằng tôi không chọn lầm người.
Rồi tôi mới hỏi nguyện vọng muốn tăng lương bao nhiêu. Cậu ta khẽ nhíu mày, nuốt nước bọt, suy nghĩ thật lâu, rồi bật ra từ kẽ răng những lời nói khá ngập ngừng:
“50% anh ạ!”
Tôi sửng sốt.
Đây là điều chưa bao giờ có tiền lệ ở công ty chúng tôi. Tuy nhiên, tôi không quá tức giận. Dẫu sao tôi vẫn cho rằng một cậu sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thương lượng và đối nhân xử thế.
Tôi hỏi cậu ta, vậy mức mong muốn thấp nhất là bao nhiêu.
Cu cậu mất đôi giây suy nghĩ rồi phóng về phía tôi một cái nhìn cương quyết.
“Em muốn ít nhất là 20%! Em không thể chấp nhận con số thấp hơn nữa anh ạ!”
Và dường như cảm thấy chưa đủ cứng rắn, cậu ta bật thốt ra một câu, mà tôi nghĩ rằng, sẽ hoàn toàn thay đổi sự nghiệp của cu cậu.
“Nếu anh không đồng ý, em sợ rằng mình sẽ không thể tiếp tục gắn bó với công ty được nữa… Em không có động lực làm việc nữa anh ạ…”
Ái chà chà…
Tôi nhìn thẳng, đối mắt với cậu ta. Cu cậu có hơi giật mình, cụp mắt xuống, rồi lại ngẩng lên nhìn tôi, đầy mong chờ.
Tôi thở dài, cho cậu ta câu trả lời mà có lẽ sẽ làm cậu ta hài lòng.
“OK em…”
Tôi thấy một tia sáng thoáng vụt qua gương mặt gầy gò của cậu chàng. Người ta hay nói, trước cơn bão, bầu trời thường sáng trong…
Gần một năm trước, giữa bối cảnh thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt, tôi “đặt cách” nhận cậu ta vào công ty, một tay đào tạo cu cậu từ con số 0. Cậu ta không phải tuýp người thông minh lanh lẹ, nhưng tôi vẫn luôn kiên nhẫn, tạo cho cậu ta hết cơ hội này đến cơ hội khác.
Vậy mà…
Khi nghĩ bản thân mình đã cứng cáp hơn, đã giỏi hơn một chút xíu, cậu ta vội vàng đòi hỏi và đưa ra quyết định thiếu tính cân nhác. Mà tôi, thì không cần một người đồng hành như thế.
Có quá nhiều các bạn trẻ đang giới hạn năng lực của bản thân mình bằng mức lương. “Công ty trả cho tôi chừng nào, tôi sẽ làm bằng, hoặc ít hơn như thế, chẳng việc gì phải cố đấm ăn xôi làm giàu cho công ty cả!”
Còn “cậu bé của chúng tôi”, có lẽ cậu đã luôn bị dày vò bởi ý nghĩ: “9 tháng rồi (mới chỉ có 9 tháng) mình đã cố gắng và tiến bộ thật nhiều. Mấy đứa bạn mình cũng vậy hoặc tệ hơn mà lương nó cao thế này cơ…”
Mang suy nghĩ đó, rồi các bạn ấy cố sống cố chết, tranh cãi đến cùng trong những buổi review tăng lương. Tôi thật sự muốn nhắn nhủ với cậu chàng kia rằng, thứ cậu ta nhận được là con số tăng lên mỗi tháng trong tài khoản, là sự thỏa mãn khi mong muốn được đáp ứng, là sự huyễn hoặc rằng mình đã giỏi lên nhiều.
Nhưng điều cậu ta vĩnh viễn mất đi, đó là sự tín nhiệm, tin tưởng, và bồi dưỡng của đồng nghiệp và công ty. Điều này chắc chắn giá trị hơn bất kỳ con số nào khác.
Từ hôm đó trở đi, không còn thấy bóng dáng của cậu ta ở công ty nữa…