“Con nhà người ta” – cơn ác mộng tuổi thơ của biết bao nhiêu người.
Không biết từ bao giờ, “con nhà người ta” đã trở thành hình tượng mà nhiều bậc phụ huynh thường dùng để nói về một đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi, thậm chí là hoàn hảo về mọi mặt… để so sánh, răn đe con mình.
Tôi cũng chả khác gì bạn. Cũng ám ảnh với nỗi sợ “con nhà người ta”. Chẳng hiểu vì sao những bữa cơm thường là thời điểm lí tưởng để tôi nghe bố mẹ trách móc:
“Con nhà người ta vừa đi học vừa phụ giúp bố mẹ, còn mày chả được tích sự gì.”
“Cùng học một cuốn sách mà sao con nhà người ta học giỏi thế kia, còn mày chán chẳng buồn nói.”
“Con nhà người ta…” vân vân và mây mây
Tôi là đứa bản tính vốn nhạy cảm và hay khóc nhè. Vì thế mà mỗi lần kết thúc câu chuyện cũng là một lần ăn cơm chan nước mắt.
Trong kí ức tuổi thơ của tôi, “con nhà người ta” gắn liền với 3 chữ NỖI KINH HOÀNG. Nó đã trở nên quen thuộc tới nỗi cứ mỗi lần nhắc tới là tôi lại sởn hết cả gai ốc.
Trong thâm tâm tôi hiểu được, bố mẹ luôn muốn tôi phấn đấu nỗ lực hơn nữa. Thế nhưng, trái tim tổn thương của tôi lại nói điều ngược lại, tôi luôn có cảm giác mình vô dụng và thua kém người khác. Những câu nói đó lại vô tình trở thành nỗi mặc cảm tự ti không nói thành lời…
Việc so sánh không chỉ gây tổn thương tinh thần non nớt lúc ấy, mà nó còn là bóng ma tâm lý đè nặng lên tâm trí tôi suốt quãng thời gian sau này. Bằng một cách nào đó, nỗi ám ảnh tuổi thơ dần hình thành nên một thói quen khiến tôi cứ mãi so sánh bản thân với người khác. Mà so sánh, lại chính là liều thuốc độc giết chết sự tự tin.
So sánh đã bào mòn giá trị bản thân như thế nào?
Tôi nhớ mãi có một lần để chuẩn bị cho kì thi Hóa học cuối cấp, nhiều đêm liền tôi thức đến 2, 3 giờ sáng để học bài. Không dám ăn lâu, không dám ngủ nhiều. Tôi vừa ăn vừa học, thậm chí học cả trên giường ngủ. Nằm mơ cũng thấy những công thức Hóa học.
Tôi bước vào phòng thi với tâm thế cực kì tự tin, chắc mẩm mình đã chuẩn bị kĩ càng cho lần thi này.
Thế nhưng đời không như là mơ, điều gì đến rồi cũng phải đến. Ngày thông báo kết quả, tôi được 8 điểm, bạn bè trong lớp ai cũng được 9, 10 điểm. Vui thì ít, hụt hẫng thì nhiều.
Đối với một đứa có mối thù truyền kiếp với môn Hóa như tôi thì con số 8 điểm đã là vượt ngoài sự kì vọng rồi. Nhưng suy nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu tôi là “bạn bè ai cũng điểm cao, tại sao có mỗi mình được 8 điểm, tại sao mình lại ngu ngốc như thế”.
Tôi đâu có mảy may nghĩ đến, để đạt được thành tích đó tôi đã phải đánh đổi bằng bao nhiêu mồ hôi công sức. Khi mọi người chìm vào giấc ngủ thì tôi vẫn đang mày mò từng trang sách. Lần trước tôi chỉ được có 6 điểm thôi, lần này được 8 điểm đã là một sự tiến bộ rất lớn rồi. Vậy mà, tôi hết tự trách bản thân mình ngốc nghếch rồi lại đổ cho “tại các bạn học tủ trúng đề”.
Cái suy nghĩ đó cứ quanh quẩn trong đầu khiến tôi ăn không ngon ngủ không yên. Tối đến còn ôm gối trằn trọc suy tư về sự ngu dốt của mình. Cũng vì vậy mà sự tự tin ban đầu biến đi đâu mất. Tôi cực kì tự ti và tự thu mình lại, không dám thể hiện gì trong lớp.
Giờ ngẫm lại tôi thấy bản thân mình thật ngây ngô, ai lại đem quả táo đi so sánh với quả cam cơ chứ…