DevUp – Thuật toán cho sự nghiệp Lập Trình?

Theo ManpowerGroup, IT là ngành tuyển dụng khó thứ hai, chỉ sau các nhóm ngành Sales & Marketing [1]. Và dù có đến hơn 97% lập trình viên (LTV) có công việc ổn định nhưng chỉ có 33% trong số đó thích công việc của mình [2]. Thực tế tại Việt Nam, rất nhiều LTV cho rằng trên 40 tuổi là sẽ không còn làm LTV được nữa.

Vậy, vấn đề nằm ở đâu? Và liệu cuốn sách DevUp đang làm mưa làm gió trong cộng đông IT gần đây có lời giải đáp cho vấn đề này?

‘Paradox of choice’

Có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của một người với công việc của họ. Trong đó Tính chất công việc, Môi trường làm việc và Đãi ngộ là những yếu tố lớn nhất. Tuy nhiên, công nghệ thông tin là một ngành phát triển nhanh và luôn thay đổi với những công nghệ, môi trường mới. Vì vậy, mỗi LTV đều thường xuyên phải đứng trước các lựa chọn lớn cho sự nghiệp của mình.

Nhưng khi đứng trước quá nhiều lựa chọn, liệu các LTV có thực đúng đắn đưa ra quyết định cho sự nghiệp của bản thân? Có một nghịch lý nổi tiếng của Barry Schwartz [4] là Nghịch lý của sự lựa chọn. Sự thừa mứa các lựa chọn làm con người khổ sở hơn. Và trong cơn choáng váng bởi các sự lựa chọn, đôi khi người ta sẽ đưa ra những quyết định không phù hợp.

Như trong DevUp – một cuốn sách của những LTV, tác giả cũng phải đề cập đến những ngã rẽ quan trọng trong sự nghiệp của một LTV với nguyên chương đầu, “Dilemmas” – Thế lưỡng nan. Chương sách chỉ ra những vấn đề mà phần lớn LTV nào cũng từng băn khoăn ít nhất 1 lần trong đời. Việt Nam hay nước ngoài? Tập đoàn lớn hay Start-up nhỏ? Làm Outsource hay làm product? Chiều rộng hay chiều sâu? Code sạch hay code nhanh? Đam mê hay tiền bạc?

Chương sách khái quát và hệ thống được cụ thể những trăn trở của các LTV và túm gọn chúng thành những câu hỏi chỉ với hai lựa chọn. Một cách làm thông minh để giải quyết bài toán “Paradox of choices” mang lại. Và cần phải hiểu, tất cả những câu hỏi này và các quyết định sau đó đều gây ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp lâu dài của bất cứ ai. Bạn nên hiểu rõ sự lựa chọn của mình để biến nó thành 1 sự lựa chọn đúng đắn!

Vậy điều gì tiếp theo sau khi đã có quyết định và biết mình sẽ làm gì?

‘Actions Matter Most’

Tự hỏi mình: “Làm gì?”, trả lời rồi bế tắc ngay ở câu hỏi sau: “Làm thế nào?”, và lại quay lại câu hỏi đầu. Vòng lặp này xảy ra đối với rất nhiều người và không chỉ được bắt gặp ở LTV. Nhưng suy nhiều, nghĩ mãi và mọi chuyện vẫn dậm chân tại chỗ. Đáp án đơn giản là hãy thử nghiệm. Bởi vì “Actions Matter Most” [5].

Điều này đúng với cả những người không phải là một LTV. Ngay khi có quyết định hãy bắt tay vào và hành động. Nếu thiếu kiến thức thì học những kiến thức cơ bản. Nếu đã có kiến thức thì hãy cứ thử nghiệm những gì bạn cho là đúng. Qua các thử nghiệm, bạn sẽ nhìn thấy đáp án cho câu hỏi “Làm thế nào?”.

Riêng với các LTV, các thử nghiệm sẽ luôn là cần thiết để nâng cao kỹ năng và kiến thức. Điều này sẽ giúp các LTV luôn sẵn sàng cho bất kỳ thay đổi mới nào và là bước quan trọng để duy trì và nâng tầm sự nghiệp. Các LTV kỳ cựu vẫn luôn làm điều này, mỗi ngày. Từ code, cấu trúc, đến công cụ, môi trường hay chu trình, đều cần có những thử nghiệm.

Hiểu rõ công việc và luôn có những bước tiến mới sẽ khiến bạn luôn giữ được lửa nghề và đạt được thành công! Nếu bạn cần những kiến thức cơ bản và một hướng dẫn tổng quát mang tính nền tảng để tiến hành những thử nghiệm của riêng mình, cuốn sách DevUp được đề cập ở trên có thể giúp được bạn.

‘Career Path’

Thử nghiệm mới chỉ mang lại một bộ kỹ năng và những kiến thức nhất định. Để đi đường dài các LTV cần làm nhiều hơn thế. Điều quan trọng đầu tiên “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Rất nhiều LTV không biết mình đang ở đâu trên thị trường lao động. Điều này dẫn đến các hệ lụy lâu dài cho sự nghiệp của chính họ.

Có những nấc thang cơ bản trong sự nghiệp: Fresher, Junior, Senior, Leader,… Nhưng làm cách nào để phân vùng các cấp độ này? Nhiều người cho rằng Senior là lâu năm, và họ trở thành ‘Senior’ trong khi năng lực chưa đủ. Vì vậy, các LTV phải biết tự đánh giá bản thân trước khi phát triển sự nghiệp của mình đi xa hơn.

Là sai lầm nếu các LTV cho rằng việc đánh giá chỉ dành cho các quản lý và bộ phận nhân sự. Các LTV cần tự biết những điểm mạnh, yếu, khả năng của bản thân để từ đó đưa ra sự lựa chọn đúng đắn cho bản thân. DevUp giúp bạn tìm được cách định vị bản thân với các mô hình khung năng lực chuẩn và các định hướng tư duy được viết riêng cho đặc thù ngành IT.

Năng lực chuyên môn là điều kiện cần, kỹ năng mềm là điều kiện đủ để bạn có những bước thăng tiến lớn và đi đường dài trong sự nghiệp. Ngoài phải giải quyết những bài toán về thuật toán, logic, LTV cũng đối mặt với tất cả các bài toán mà những ngành nghề khác gặp phải.  Hai chương cuối của cuốn sách là một guideline tốt cho một LTV.

‘DevUp’

Nhìn chung cuốn sách là một khoản đầu tư hữu ích cho nhiều LTV, và cả những người không phải là LTV. Riêng với model:

Dilemmas – Experiment – Valuation – Unlearn – Performance

Cũng đã giúp những dân ngoại đạo cho sự nghiệp của riêng họ. Từ việc thấu hiểu những “thế lưỡng nan” giúp chúng ta tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Đến dấn thân làm thử để biết được câu trả lời thật sự. Để rồi đánh giá lại những gì mình đã làm. Bạn đang đứng ở đâu, và bạn muốn tiến đến tầng nào của kim tự tháp? Và bạn học được gì cần biết gì để bước tiếp. Cuối cùng thể hiện những gì bạn đã học và xây dựng một sự nghiệp vững vàng!

Tuy vẫn còn nhiều điều lấn cấn đâu đó như cái biểu đồ tiếng anh 16 trang từ một tác giả khác chưa được dịch (hoặc backlink). DevUp là một cuốn sách hay. Và nó có giải quyết được 2 câu hỏi đầu bài hay không, là tùy vào mỗi người đọc.