Chắc hẳn chúng ta chẳng ai muốn nghe đi nghe lại mãi một việc mà mình đã biết rồi. Nhưng thành thật đi, bạn nghe đó, biết đó, liệu bạn đã làm hay chưa? Bao giờ bạn bắt tay vào làm?
“Để mai làm”. Nghe quen phải không? Nhưng ngày mai của ngày nào thì chưa rõ.
Một ví dụ nhỏ thôi, bạn đọc một cuốn sách, học được một vài lời khuyên hay ho từ tác giả. Bạn tự nhủ với lòng rằng bạn sẽ áp dụng những mẹo này trong công việc, cuộc sống. Nhưng rồi bạn có thực hiện hay không? Hay cứ bỏ ngỏ, chần chừ, để từ làm cũng không vội?
Bạn đọc ngấu nghiến từng câu từng chữ trong cuốn sách, nhưng mọi thứ sẽ thực sự vô nghĩa nếu bạn cứ mãi ngần ngại không thực hiện nó. Bởi vì, bạn chần chừ, thì kết quả cũng sẽ chần chừ.
Biết thôi liệu có đủ?
Chúng ta thường hay nghe thầy cô, cha mẹ khuyên bảo rằng: “Học cho giỏi rồi tương lai sẽ thành công”. Không thể phủ nhận rằng kiến thức là cực kì quan trọng, là nền móng cho tất cả. Nhưng liệu kiến thức có thực sự là chìa khóa vạn năng giúp chúng ta mở mọi cánh cửa?
Câu trả lời chắc chắn sẽ là không nếu chúng ta luôn đi vào ngõ cụt này: Tôi biết → Tôi có thể làm → Tôi sẽ làm → Kết thúc câu chuyện.
Kiến thức không là không đủ. Chúng ta phải hiện thực hóa kiến thức. Nếu không thực hiện mà mơ đến thành công thì chẳng khác gì mình đang “há miệng chờ sung” cả.
Chần chừ chi nữa, bắt tay vào làm thôi!
Học kiến thức nhưng cũng đừng quên biến nó thành hiện thực. Người ta thường có xu hướng hối tiếc những việc mình chưa làm, không phải việc đã làm. Chính vì thế, khi học được một điều gì đó, hoặc khi lên kế hoạch làm một điều gì đó, hãy chắc chắn bạn sẽ thực hiện nó.
Càng nhanh chóng hiện thực hóa ước mơ bao nhiêu thì kết quả cũng sẽ nhanh đến bấy nhiêu. Bởi vì chúng ta nên nhớ rằng, thời gian không chờ đợi ai bao giờ. Ai cũng có 24h một ngày. Việc bạn tận dụng nó như thế nào là nằm ở chính bạn mà thôi.