6 lý do bạn không nên chọn công ty Startup

Các công ty khởi nghiệp hiện nay đang thu hút nhiều người từ đa lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là giới trẻ. Môi trường này hấp dẫn là vậy đấy, nhưng phải chăng bất cứ ai cũng phù hợp để có thể “trụ” được lâu ở đó? Hãy cùng tham khảo một số lí do để suy ngẫm xem liệu bạn có nên làm việc cho Startup ít nhất một lần trong đời hay không nhé!

  1. Bị “sốc” vì cách làm việc khác với truyền thống
  2. Được thể hiện năng lực bản thân quá nhiều
  3. Phải rèn luyện vô số kỹ năng mềm
  4. Bị “choáng ngợp” bởi sức mạnh teamwork
  5. Cấp bậc không còn là “rào cản”
  6. Sự năng động, sáng tạo và đổi mới liên tục   

1. Bị “sốc” vì cách làm việc khác với truyền thống

Nếu bạn là người chỉ quen thuộc với lối làm việc theo hình thức thụ động, hay một công việc lặp lại quy trình chuẩn hóa sẵn có. Vậy thì xin chia buồn, Startup không phải là nơi dành cho bạn.

Startup vốn dĩ là công ty mới chập chững từng bước đi đầu, mọi việc bạn đều phải tự mày mò, sẽ chẳng ai có thể cầm tay chỉ việc cho bạn cả. Chính vì vậy nếu muốn đầu quân cho công ty Startup, bạn cần phải chủ động học hỏi và tư duy nhiều hơn.  

2. Được thể hiện năng lực bản thân quá nhiều

Ở các công ty Startup, bạn sẽ được đảm đương công việc ở đa dạng vị trí khác nhau. Đây vừa cơ hội giúp bạn “phơi bày” ra hết những năng lực mà bạn sở hữu, đồng thời đánh thức những sức mạnh tiềm ẩn đã ngủ quên bấy lâu của bản thân.

Bạn sẽ được tha hồ sáng tạo với những ý tưởng bay bổng của chính mình, ngược lại cũng sẽ có đôi lúc bạn cảm thấy mình bị “lạc trôi”. Nhưng bạn biết gì không? Công ty Startup bao giờ cũng trọng dụng nhân tài, và chắc chắn bạn sẽ được khen thưởng xứng đáng nếu hoàn thành xuất sắc công việc. 

3. Phải rèn luyện vô số kỹ năng mềm

Tất nhiên rồi, giao tiếp và thuyết trình là hai trong số hàng loạt kỹ năng mà hầu hết các công ty Startup đều yêu cầu nhân viên phải trau dồi trong suốt quá trình làm việc.

Khi nảy ra những ý tưởng mới, bạn sẽ phải trình bày với các thành viên trong nhóm và thuyết phục họ đồng tình với bạn. Điều này sẽ dần tạo cho bạn khả năng giao tiếp lẫn thuyết trình trước mọi người. 

4. Bị “choáng ngợp” bởi sức mạnh teamwork

Một Startup là tập hợp với quy mô nhỏ nên bạn và các thành viên trong nhóm sẽ phải kề vai sát cánh cùng nhau trong mọi kế hoạch. Khi đó, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công.

Và một khi tình đồng đội được gắn kết, hiệu quả của công việc cũng sẽ được nâng cao. Bạn sẽ không thể nào tưởng tượng được sự gắn kết giữa các thành viên trong công ty là như thế nào đâu. Nếu bạn không sẵn sàng thay đổi thói quen làm việc độc lập, hãy cân nhắc lại ý định nộp đơn vào một Startup.

5. Cấp bậc không còn là “rào cản”

Nếu ở các công ty lâu đời, quyền lực được phân chia theo hình thức cấp trên và cấp dưới, thì ở Startup giữa bạn và sếp dường như không có khoảng cách, bởi tất cả đều phải làm việc cùng nhau.

Đối với nguồn nhân lực còn hạn chế ở Startup, đồng nghiệp cũng giống như là những thành viên trong một gia đình. Chức vụ là điều chẳng còn ai quan tâm và mọi người đều nói “KHÔNG” với “bè phái nơi công sở”.

6. Sự năng động, sáng tạo và đổi mới liên tục       

Một trong những đặc điểm cơ bản của môi trường làm việc Startup là việc bạn sẽ phải liên tục học hỏi và thích ứng linh hoạt với sự cải tiến choáng ngợp của công ty.

Vì là công ty khởi nghiệp nên ở đó sẽ không có chỗ cho sự trì trệ hay lười nhác, mà ngược lại đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực phấn đấu và tinh thần ham học hỏi từ phía bạn.

Bạn là người vốn khao khát “học, học nữa, học mãi”, đừng chần chừ thêm nữa, nếu không thì bạn sẽ bỏ lỡ mất cơ hội làm việc cho một Startup thú vị đấy nhé!